EU sẽ tăng lượng nhập khẩu thủy sản thời gian tới

Thị phần thủy sản của Việt Nam sẽ tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu tới thị trường EU tận dụng tốt hơn những lợi thế từ EVFTA.


Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU trong thời gian tới sẽ tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 109 thị trường từ ngoài EU cung cấp thủy sản cho khối này. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 vào EU về trị giá, chiếm 3,38% về lượng và chiếm 3,27% về trị giá, đạt 58,9 nghìn tấn với trị giá 236,9 triệu EUR (tương đương 279,7 triệu USD), giảm 1% về lượng và giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU trong thời gian tới sẽ tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị phần thủy sản của Việt Nam sẽ tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới thị trường EU tận dụng tốt hơn những lợi thế từ EVFTA.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các tiêu chí lựa chọn sản phẩm thủy sản tiêu thụ ở EU thường theo thứ tự sau: Đa số ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản có xuất xứ ở châu Âu, sau đó những sản phẩm thủy sản đảm bảo rõ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, thân thiện với môi trường, dễ sử dụng, giá của sản phẩm thủy sản đó so với những sản phẩm có tính chất tương đồng trong bữa ăn và địa điểm sử dụng.

Người dân EU thường xuyên ăn thủy sản tươi sống ở nhà hàng vì họ cho rằng thủy sản tươi sống sẽ ngon hơn khi biết cách chế biến và các nhà hàng sẽ chế biến thủy sản tươi sống tốt hơn ở nhà. Trong khi những sản phẩm thủy sản đông lạnh, sơ chế, dễ chế biến sẽ được dùng nhiều hơn ở nhà, bếp ăn tập thể. Những sản phẩm thủy sản đóng hộp luôn được lựa chọn cho những chuyến du lịch ngắn ngày. Ngoài ra những yếu tố liên quan tới văn hóa, mức thu nhập của người dân từng quốc gia, khu vực sẽ tác động mạnh tới xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU.

Xu hướng tiêu dùng thủy sản của EU khi có dịch Covid-19 là những sản phẩm thủy sản tươi sống, sản phẩm thủy sản có trị giá cao có nhu cầu giảm mạnh khi phải thực hiện giãn cách xã hội… Những sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình như thủy sản sơ chế đông lạnh, dễ chế biến tại nhà và thủy sản đóng hộp có nhu cầu tăng mạnh do tính tiện dụng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Đây là những yếu tố nổi bật trong xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU trong lúc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dịch Covid-19 không thay đổi cơ bản về quan điểm tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản ở EU mà chỉ thay đổi ở giá trị sản phẩm và tính tiện dụng của sản phẩm. Cụ thể như trước đây nhu cầu tiêu dùng tôm cỡ to, tôm sú nhiều hơn, thì nay chuyển dần sang tôm sú cỡ nhỏ và trung bình hoặc tôm thẻ có mức giá phù hợp trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu.

Những sản phẩm tôm phục vụ nhà hàng, thủy sản tươi sống phục vụ nhà hàng cũng ít được tiêu dùng do đặc thù giãn cách xã hội. Những sản phẩm thủy sản có tính tiện dụng tiêu dùng ở nhà đang là lựa chọn của phần đông người tiêu dùng thủy sản ở EU. Riêng thói quen quan tâm tới tính bền vững, nguồn gốc sản phẩm và tính thân thiện là không thay đổi.

Xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU trong thời gian tới có thể sẽ thay đổi, khi dịch Covid-19 được kiểm soát bằng việc tiêm vaccine trên diện rộng. Khi đó xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU có thể sẽ dần trở lại như trước đó. Nhập khẩu thủy sản của EU tăng và thị phần thủy sản của Việt Nam tăng.

Theo PV/VOV.VN