Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022 tại tỉnh Ninh Thuận

Ngày 18/8/2022, tại tỉnh Ninh Thuận, Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Ninh Thuận tổ chức Hội nghị khuyến công khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022 nhằm đánh giá kết quả công tác khuyến công năm 2021; 7 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2022.


Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị do Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung và Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Võ Đình Vinh chủ trì, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định tham dự có Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Mai Hưng, Lãnh đạo các phòng Quản lý Công nghiệp, Kế hoạch Tài chính – Tổng hợp, Kỹ thuật An toàn – Môi trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại…

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên là 48.793 triệu đồng; trong đó, khuyến công quốc gia (KCQG) 11,065 triệu đồng, chiếm 22,68%; khuyến công địa phương (KCĐP) 37.728 triệu đồng, chiếm 77,32% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kế hoạch năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng 72.795 triệu đồng; trong đó, KCQG 29.207 triệu đồng; KCĐP 43.588 triệu đồng; trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện 20.704 triệu đồng; trong đó, KCQG đã triển khai thực hiện 3.538 triệu đồng; KCĐP 17.166 triệu đồng.

Đối với tỉnh Bình Định, năm 2021 đã thực hiện 28 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 4,5 tỷ đồng; trong đó, KCQG 03 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 01 tỷ đồng, chiếm 22%; KCĐP 25 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, chiếm 78%. Trong năm 2022, tỉnh Bình Định triển khai 35 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 5,2 tỷ đồng; kết quả 7 tháng đầu năm 2022, Sở Công Thương Bình Định đã nghiệm thu 11/35 đề án, đạt 40% kế hoạch kinh phí.

Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định đã báo cáo kết quả, hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch khuyến công trước tháng 10/2022 với phương châm “hỗ trợ nhanh – phục hồi sớm” để kịp thời đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, tỉnh Bình Định đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh với 157 sản phẩm tham gia; 55 sản phẩm được công nhận; thông qua bình chọn đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới trong chế biến lương thực, thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm mới thay thế hộp đựng bằng xốp, nhựa dùng 01 lần, SP phục vụ xuất khẩu 100%… Hoạt động khuyến công Bình Định không những được biết đến về hỗ trợ phát triển sản xuất, sản phẩm, thị trường mà còn đồng hành cùng các cơ sở CNNT vượt qua đại dịch.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động khuyến công những năm tiếp theo của tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, Sở Công Thương Bình Định đã đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, xem xét tăng kinh phí KCQG để kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid-19 với mức tương ứng với KCĐP; trong đó, quan tâm hỗ trợ Hợp tác xã theo Quyết định số 2997/QĐ-BCT ngày 18/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.


Đồng chí Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tham luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG; tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, làm tiền đề cho bước phát triển mới của công tác khuyến công các năm tiếp theo./.

Tác giả bài viết: Trần Anh Hào